BRUTE FORCE ATTACK LÀ GÌ? VÀ LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỐNG CHO WORDPRESS?

Thuật ngữ Brute Force hay Brute Force Attack đã dần trở nên quen thuộc nếu bạn sử dụng WordPress bởi vì hình thức tấn công này luôn nhắm vào các mã nguồn mở thông dụng. Vậy chính xác phương thức tấn công này là gì? Tác hại của nó ra sao? Và làm thế nào để phòng chống Brute Force Attack? Hãy để mình giải đáp thắc mắc của bạn theo cách ngắn gọn nhất.

Brute Force Attack là gì?

Hãy tưởng tượng hacker nắm trong tay một danh sách rất lớn các username và mật khẩu phổ biến hay được sử dụng. Sau đó họ gửi liên tục các truy vấn đăng nhập vào file wp-login.php của bạn và nếu tài khoản nào sai, nó sẽ bỏ qua và thử tiếp tài khoản khác. Cứ lần lượt như vậy, sau đó lại “trộn” mật khẩu đến khi nào đăng nhập được thì thôi. Đó là brute force attack.

Bạn có thể hiểu phương thức này là một cách để dò ra mật khẩu và tài khoản của người quản trị cao nhất.

Khi nào dễ bị brute force attack?

Hình thức tấn công này dễ phòng chống nhưng lại rất dễ bị dính nếu bạn chủ quan trong việc đặt mật khẩu và username của mình. Thường thì bạn sẽ dễ bị tấn công kiểu này khi:

  • Đặt username là admin, administrator hoặc tương tự.
  • Mật khẩu không an toàn, dễ đoán ra, sử dụng phổ biến.
  • Không bảo mật đường dẫn đăng nhập.
  • Không thay đổi mật khẩu thường xuyên.

Như vậy, các vấn đề liên quan đến bảo mật tài khoản đăng nhập sẽ đều giúp cho hacker sử dụng brute force attack để tấn công.

Làm thế nào để chống Brute Force Attack?

Muốn chống được brute force attack thì bạn cần follow theo các checklist sau:

  • Tên đăng nhập khó đoán ra.
  • Mật khẩu dài, mạnh, có ký tự đặc biệt và không liên quan đến các thông tin cá nhân.
  • Hạn chế số lần đăng nhập sai.
  • Bảo mật đường dẫn đăng nhập.
  • Thường xuyên thay đổi mật khẩu.

Vậy thì nếu bạn cần chống brute force attack, mình khuyến khích bạn kết hợp các plugin sau:

  • Better WP Security – Có tính năng ẩn đường dẫn đăng nhập và hạn chế số lần đăng nhập sai.
  • Login Security Solution – Bắt buộc sử dụng mật khẩu mạnh, bắt đổi mật khẩu định kỳ, hạn chế số lần đăng nhập.
  • BruteProtect – Chặn các IP xấu hay các truy vấn kiểu brute force có trong dữ liệu của riêng họ.
  • Limit Login Attemps – Đơn giản là hạn chế số lần đăng nhập sai.

Hoặc nếu bạn muốn an toàn hơn thì sử dụng thêm plugin KeyCaptcha để tạo mã kiểm tra bằng cách xếp ảnh, như thế web bạn sẽ không phải mất công xử lý truy vấn nữa.

Lời kết

Mặc dù hình thức Brute Force Attack dễ phòng chống và hạn chế nhưng nó  lại là hình thức rất phổ biến hiện nay, đặc biệt là nhắm vào những người dùng WordPress bởi vì nó chiếm thị phần hơn 19% trong tổng số website đang có trên thế giới, trong khi các mã nguồn mở khác như Joomla, Drupal chỉ có từ 3 đến 4%.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *